image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Giỗ tổ Hùng Vương - giá trị biểu tượng sinh động của tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Anh-tin-bai

Trong chiều sâu văn hóa, cộng đồng người bản địa của nhiều quốc gia - dân tộc trên thế giới đều có những nhận thức và niềm tin về nguồn cội của mình. Đa số cư dân “gốc” ở nhiều nước thuộc khu vực châu Phi, châu Mỹ, đặc biệt là châu Á thường có những ý niệm, truyền thuyết một vị “thủy tổ” mang đậm dấu ấn thần bí của quốc gia - dân tộc mình. Tuy nhiên, hiếm có đất nước nào lại có một tập quán, tín ngưỡng, niềm tin mang tính “phổ quát” về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương như Việt Nam. Và có lẽ chỉ có ở Việt Nam, dù trải qua vô vàn biến thiên của lịch sử, nhưng lớp lớp thế hệ người Việt vẫn duy trì được sự đồng nhất, thống nhất trong quan niệm về một nguồn cội “đồng bào” - cùng bọc trứng sinh ra, cũng như những lưu truyền về vị vua đầu tiên lập nên Nhà nước Văn Lang, về mười tám đời Vua Hùng...

Vượt qua lớp vỏ huyền ảo “phi hiện thực”, cốt lõi sâu sa, giá trị bền chắc từ những truyền thuyết Hùng Vương chính là những giá trị văn hóa, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bền vững, đậm dấu ấn riêng có của dân tộc Việt Nam. Theo đó, Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là dạng thức độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ xa xưa mà còn là biểu tượng văn hóa thiêng liêng của lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, được phát triển, nâng cao thành ý thức đoàn kết, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam.

Anh-tin-bai


Sinh thời, Giáo sư sử học, nhà khảo cổ học Trần Quốc Vượng từng nhận định: Đền Hùng là Đền thờ Tổ, không phải Tổ của riêng một gia đình, riêng một dòng họ, riêng một xóm làng, thậm chí riêng một vùng, mà là Tổ của cả nước. Về mặt triết lý tín ngưỡng dân gian, Tổ Hùng được thờ ở Đền Hùng đã trải qua một quá trình siêu việt tâm linh vượt lên trên mọi thức Tổ cụ thể, lên trên cả vua Tổ, là gốc rễ ý thức của sự thờ cúng này để đạt tới mức Tổ toàn vẹn, hoàn thiện, căn bản, triệt để.

Cũng theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, Lễ hội Đền Hùng không chỉ dừng lại với ý nghĩa ngày Giỗ Tổ - tưởng nhớ tổ tiên; đến Đền Hùng không chỉ là cuộc hành hương về đất Tổ, “đất thánh” hay là đất phát tích của một dòng vua đầu tiên, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, mà thực sự đã trở thành một sự thôi thúc tâm linh, đó là trở về nguồn cội tìm về dân tộc hay đúng hơn, đối với văn hiến Việt Nam, là sự trở về cội nguồn dân tộc... Ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

Những biểu hiện sâu sắc nhất về giá trị văn hóa, lịch sử liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng - Giỗ Tổ Hùng Vương cần được khẳng định lại là:

Một là, Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội lớn của dân tộc Việt Nam. Là một tập quán lâu đời, thể hiện tình cảm thiêng liêng của đa số người dân Việt Nam đối với tổ tiên “con Lạc, cháu Hồng”. Hơn thế, hình thái tín ngưỡng này còn là một di sản văn hóa phi vật thể. Có nghĩa là, những giá trị văn hóa không chỉ nổi bật ở trong nước mà còn nổi bật toàn cầu, trong đó có phương diện là trung tâm tín ngưỡng tổ tiên chung, đồng thời là trung tâm của hệ thống lễ hội thờ tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam.

Hai là, sự hình thành và ra đời của Di tích lịch sử Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu hiện của lòng tri ân và tôn vinh quá khứ, là niềm tin vững chắc của các thế hệ cháu con đối với công lao dựng nước và giữ nước của ông cha. Đồng thời, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Ba là, với ý nghĩa giáo dục ý thức về tổ tiên, về lòng tự hào dân tộc cũng chính là những tiền đề, cơ sở hình thành lòng nhân ái, đạo đức cộng đồng, nhắc nhở mỗi cá nhân hành động theo các chuẩn mực xã hội. Thông qua đó, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nêu cao ý nghĩa của lòng yêu nước thương nòi, biết ơn công lao gây dựng đất nước, được nhân dân ghi nhận và tôn thờ. Ở phương diện xã hội, đó còn là sợi dây tinh thần kết nối cộng đồng, biểu tượng của đoàn kết dân tộc.

Bốn là, Giỗ Tổ Hùng Vương vừa có giá trị văn hóa, vừa có giá trị tâm linh sâu sắc và ý nghĩa về sự phát triển bền vững của đất nước. Là biểu hiện sinh động, tập trung về lòng yêu nước và sức mạnh đoàn kết trường tồn của cả dân tộc Việt Nam. Đồng thời, thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả dân tộc với những giá trị khoa học, minh chứng cho sức mạnh lan tỏa của văn hóa Việt Nam, mang những giá trị riêng có thể hòa vào giá trị chung của văn hóa thế giới.

Năm là, trên một số phương diện, tín ngưỡng thờ cúng - Giỗ Tổ Hùng Vương còn đem đến hiệu quả nhiều mặt về chính trị cho quốc gia - dân tộc và chế độ; góp phần “cộng hưởng” và làm cho nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phát huy mạnh mẽ, lan tỏa vào thực tiễn cuộc sống, chẳng hạn như việc gìn giữ, phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…/.

Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh