image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Di tích – Danh thắng

NHỮNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TIÊU BIỂU

Ở THÀNH PHỐ TÂN AN

-------

 

     I. Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia - Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức

     II. Những di tích lịch sử cấp Tỉnh

  1. - Di tích lịch sử Nhà Vuông -Trạm gác tiền tiêu của cách mạng địa phương
  2. - Di tích lịch sử cách mạng - Nhà thuốc Minh Xuân Đường (địa điểm hoạt động bí mật của Tỉnh ủy Long An từ năm 1936-1945)
  3. - Nhà Tổng Thận - Trụ sở Công khai đầu tiên của Tỉnh ủy Tân An sau Cách mạng tháng Tám
  4. - Di tích lịch sử - văn hóa Đình Xuân Sanh
  5. - Di tích lịch sử - văn hóa Đình Khánh Hậu

     III. Tân An - Những công trình văn hóa:

  1. - Mộ 42 Liệt sĩ
  2. - Nhà bia truyền thống An Vĩnh Ngãi
  3. - Tượng đài "Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc"
  4. - Cây Trôm mõ (Cây Di sản Việt Nam)

NỘI DUNG CHI TIẾT 

     Nằm trên trục phát triển của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, Tân An được xem là một trong những đô thị vệ tinh của thành phố Hồ Chí Minh và là đô thị cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tân An cũng từng là tỉnh lỵ của tỉnh Tân An cũ trước năm 1956, là một "vùng đất mới" về tuổi đời và bề dày văn hóa so với các vùng, miền khác, nhưng tại Tân An vẫn đang là vùng đất còn tiềm ẩn nhiều di tích lịch sử văn hóa mang những giá trị không kém phần đặc sắc và có ý nghĩa.

     Ngược dòng lịch sử, những tài liệu - thư tịch cũ thì Tân An trước đây là vùng đất được khai phá có tên là Vũng Gù, nhiều người Việt đến định cư vào những thập niên cuối thế kỷ 17. Năm 1705, Thống Suất Nguyễn Cửu Vân, sau khi đánh quân Cao Miên rút về, trú quân tại Vũng Gù đã tổ chức đào kênh, lập đồn điền, xây đồn lũy phòng vệ ở khu vực này. Đến cuối thế kỷ 18, vùng này trở nên trù phú và dân cư đông đúc hơn.

     Hai chữ "Tân An" xuất hiện đầu tiên trên bản đồ dưới triều Minh Mạng (năm thứ 13) dưới danh nghĩa là một đơn vị hành chính cấp phủ - phủ Tân An - gồm hai huyện: Thuận An (có thời gian còn gọi là Cửu An) và huyện Phước Lộc.

      Sau hòa ước Nhâm Tuất ngày 05/6/1862, phủ lỵ đóng tại Cai Tài, thôn Bình Khuê, hay còn gọi là Bình Quê (nay thuộc xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ). Sau khi chiếm xong 3 tỉnh miền Đông, thực dân Pháp tách phủ Tân An ra khỏi tỉnh Gia Định, lập hạt Tân An, lỵ sở vẫn đặt tại Cai Tài. Đến năm 1863, thì dời về Châu Phê, thôn Nhơn Thạnh Trung (nay thuộc xã Nhơn Thạnh Trung), bên tả ngạn sông Vàm Cỏ Tây. Năm 1865, phủ Tân An đổi thành hạt Tân An. Cuối năm 1868, đầu năm 1869, lỵ sở của khu tham biện Tân An chuyển về thôn Bình Lập, nằm ở hữu ngạn sông Vàm Cỏ Tây. Theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương về việc đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh, thì từ ngày 01/01/1900 hạt tham biện Tân An trở thành tỉnh Tân An. Tỉnh lỵ Tân An đặt tại làng Bình Lập thuộc quận Châu Thành. Ban đầu, tỉnh Tân An gồm 3 quận: Châu Thành, Thủ Thừa và Mộc Hóa. Tháng 4.1949, Ủy ban Kháng chiến hành chánh quận Châu Thành (tỉnh Tân An) quyết định tách một phần xã Bình Lập để xây dựng một đơn vị hành chánh cấp cơ sở với tên gọi thị xã  Tân An. Đến bất cứ đâu trên mảnh đất Tân An cũng đầy ắp những kỉ niệm lịch sử được kết tinh trong những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở khắp các làng quê của vùng đất này. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, những di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn đang được bảo tồn và phát huy, góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

     I. Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia - LĂNG MỘ NGUYỄN HUỲNH ĐỨC:   

lm1.jpg                    

     Cách thành phố Tân An 3,5 km về phía Tây, Lăng Nguyễn Huỳnh Đức là một trong những kiến trúc cổ nhất ở Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến nay. Đây là một quần thể kiến trúc bao gồm các công trình chính như: cổng, lăng mộ, đền thờ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức, một công thần của Triều Nguyễn.

     Khu di tích đền thờ và lăng mộ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức tọa lạc tại khu phố Giồng Dinh, phường Khánh Hậu, thành phố Tân An. Quần thể di tích gồm: đền thờ, lăng mộ và nhà trưng bày tư liệu.

     Khuôn viên Lăng Nguyễn Huỳnh Đức có diện tích hơn 3.000 m², được giới hạn bởi tường rào, có cổng tam quan mở về hướng Đông, trên cổng đắp nổi dòng chữ "Tiền quân phủ". Lăng Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được xây dựng năm 1817 (trước khi ông mất) bằng đá ong, đá vữa tam hợp theo hướng Bắc - Nam. Lăng được xây dựng theo lối cổ, đăng đối nghiêm nhặt có vòng thành hình chữ nhật dài 35m, rộng 19m, cao 1,2m, dày 0,4m bao quanh. Án ngữ lối vào mộ ở phía Bắc tường thành là bình phong đá ong cao 3m có đắp nổi hoa văn mai lộc. Từ bình phong có đường thần đạo dài 17m dẫn đến phần chính của mộ gồm: biểu thành, các trụ biểu, 02 bình phong và bia mộ. Trên 02 bình phong có khắc 02 bài văn tế Nguyễn Huỳnh Đức của vua Gia Long và Trấn thủ Định Tường Nguyễn Văn Phong. Toàn bộ ngôi mộ được trang trí hoa văn rồng, hoa lá, mặt trời, mây, hoa sen và nhiều câu đối chữ Hán. Nổi bật trong bia mộ được tạc bằng đá Non Nước cao 1,56m, rộng 0,95m được mang vào từ Huế, chạm nổi hoa văn tinh xảo hình mặt trời, hoa lá hóa rồng ở hai bên trán bia; diềm bia trang trí chạm nổi hình hoa cúc dây, hoa mai; trung tâm bia mộ đề "Việt Cố Khâm Sai Gia Định Thành Tổng Trấn, Chưởng Tiền Quân, Tặng Thôi Trung Dực Vận Công Thần, Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Thái Phó Nguyễn Huỳnh Quận Công Chi Mộ". Mặt bia có dòng chữ Hán ghi những chức vụ quan trọng của ông trong triều Nguyễn. Phía sau bia là nơi chôn cất thi hài Nguyễn Huỳnh Đức với một nắm mộ phẳng dài 3,4m, rộng 2,7m, cao 0,3m. Xung quanh mộ là những cây sứ cổ thụ tỏa hương ngào ngạt tạo nên vẻ thâm nghiêm cho nơi an nghỉ của một đại thần khai quốc. Nói chung, Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức được xây dựng theo lối kiến trúc đầu đời Nguyễn: giản dị mà hùng tráng.

     Cách mộ 20m về phía Nam là đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức. Từ năm 1819 đến năm 1959, gia tộc thờ ông trong một ngôi nhà xưa do vua Gia Long sai người dựng cách ngôi mộ khoảng 500m. Vào năm 1959, để tiện cho việc thờ cúng, gia tộc đã xây dựng ngôi đền mới này theo kiểu tứ trụ, 2 tầng mái, cửa sổ trông ra hướng Đông. Ngay sau cửa chính đền thờ có đặt hương án chạm rồng, phụng, hoa lá sơn son thếp vàng, phía trên có bức họa truyền thần Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được vẽ năm 1802. Phía sau hương án có bộ ván độc mộc dài 3,3m, rộng 1,8m, dày 0,14m có niên đại hơn 300 năm vốn là di vật của người đã khuất. Trong cùng là bàn thờ chính với khánh thờ đặt trên hương án và chiếc hộp sơn son đựng 8 bản chiếu, chỉ, khế, sắc của các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức phong tặng cho Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức. Bên trong đền thờ còn bố trí 3 bộ lễ bộ, tàn lọng và 4 cặp liễn đối - ca ngợi sự nghiệp của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức do vua Gia Long ngự ban. Ngoài ra, những hiện vật cổ có niên đại thế kỷ XVIII và XIX còn được lưu giữ trong đền thờ như: Đoản kỷ vua Xiêm tặng năm 1798, Khánh lệnh đồng vua Gia Long tặng năm 1819, Bức hoành "Vạn lý danh" vua Tự Đức tặng năm 1854…

     Phía sau đền thờ là ngôi chánh diện, lợp ngói lưu ly xanh được gia tộc xây dựng năm 2000 theo bản vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng (nguyên Viện trưởng - Viện khảo cổ Sài Gòn).

      Trước đây vào năm 1972, gia tộc đã cho xây dựng 2 cổng lớn ở 2 đầu con đường vòng cung dẫn vào Lăng với thiết kế giống nhau theo kiểu cổng tam quan truyền thống. Trên cổng có hàng chữ Hán "Tiền quân phủ" và "Lăng Nguyễn Huỳnh Đức" bằng đồng. Nhìn từ xa, cổng lăng toát lên vẽ đường bệ, uy nghi như chào đón khách tham quan.

      Trong dân gian và sử sách, cuộc đời của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức đã trở thành huyền thoại. Ông có tên thật là Huỳnh Tường Đức, sinh năm 1748 tại làng Tường Khánh, huyện Kiến Hưng (nay là phường Khánh Hậu, thành phố Tân An) trong một gia đình võ tướng đã 3 đời. Ông theo phò Nguyễn Ánh từ năm 1780 lập nhiều công trạng lớn, được ban họ vua và giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Chưởng Hậu Quân, Chưởng Tiền Quân, Tổng trấn Gia Định Thành, Tổng trấn Bắc Thành, Tước Quận Công. Tương truyền ông là người trung can, nghĩa khí, võ nghệ cao cường, mọi người đều gọi là "Hổ tướng". Ông mất vào ngày 09/9/1819, được dân gian xem như một vị thần. Hàng năm, vào 3 ngày 7, 8, 9 tháng 9 âm lịch, nhân dân trong vùng tề tựu cùng gia tộc làm lễ cúng ông hết sức trọng thể. Truyền thống này đã được kế tục từ năm 1819 cho đến nay.

     Đến tham quan di tích Lăng Nguyễn Huỳnh Đức chúng ta được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc lăng mộ đầu đời Nguyễn và những cổ vật quý giá cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Ta còn biết đến cuộc đời và sự nghiệp của một "Hổ tướng" lừng danh đất Ba Giòng và cũng là người có công khai phá Giòng Cái Én (Khánh Hậu), được nhân dân tôn thờ như một vị thần.

      Với những ý nghĩa ấy, ngay từ đầu thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa đã xếp loại Lăng Nguyễn Huỳnh Đức là 01 trong 404 cổ tích ở Đông Dương. Bộ Văn hóa - Thông tin nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Quyết định công nhận Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ngày 11/5/1993. Di tích hiện nay trở thành địa điểm tham quan nghiên cứu kiến trúc cổ của du khách trong nước và ngoài nước khi đến Long An.                                                   

     II. NHỮNG DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH:

     1. Di tích lịch sử Nhà Vuông - Trạm gác tiền tiêu của cách mạng địa phương:

     Di tích lịch sử Nhà Vuông tọa lạc tại ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Đây là loại hình kiến trúc đặc biệt gắn liền với tiến trình khai hoang, lập ấp của nhân dân Long An nói chung và nhân dân Nam Bộ nói riêng. Là công trình tín ngưỡng có giá trị lịch sử hình thành và phát triển song hành với quá trình xây dựng làng xã; là nơi đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của địa phương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

NV.jpg 

     Cách nay khoảng 3 thế kỷ, trong quá trình Nam tiến, lưu dân người Việt từ miền Ngũ Quảng đã vượt biển vào Nam lập nên quê hương mới. Buổi đầu khẩn hoang, khi có đủ số dân theo quy định, những đơn vị hành chính cơ sở như: thôn, phường, làng, ấp được thiết lập thì song song đó, các thiết chế văn hóa như: nhà vuông, đình, chùa lần lượt ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân trên vùng đất mới. Nhà Vuông xuất hiện đầu tiên, là nơi hội họp, quyết định mọi vấn đề liên quan đến cộng đồng dân cư và đáp ứng nhu cầu tâm linh, cúng bái tưởng nhớ đến công đức của các vị tiền hiền đã có công khai cơ mở đất.

      Trong bối cảnh chung ấy, Nhà Vuông Bình Nam ra đời, gắn liền với công cuộc khai hoang mở đất của lưu dân người Việt cách nay 3 thế kỷ. Qua những biến thiên của lịch sử, loại hình nhà vuông dần dần mất đi, chỉ tồn tại trong ký ức cộng đồng qua một vài địa danh rải rác trong Tỉnh. Vì thế, Nhà Vuông Bình Nam trở thành di tích duy nhất của loại hình nhà vuông còn tồn tại trên đất Long An.

      Nhà Vuông Bình Nam là thiết chế văn hóa thôn ấp cổ truyền với đối tượng thờ cúng là Tiên sư và những bậc tiền nhân đã có công khai khẩn, khai cơ, truyền lại cơ đồ cho con cháu. Vì vậy, Nhà Vuông là nơi bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, mà cơ bản là tinh thần tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn.

      Nhà Vuông còn là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng ở địa phương. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền nhân dân xã Bình Lập đã chọn Nhà Vuông làm nơi tổ chức lễ ra mắt và đặt trụ sở hoạt động. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Bác Hồ về phong trào "diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm", Nhà Vuông chính là địa điểm tổ chức các lớp học về xóa nạn mù chữ. Vào ngày 06/01/1946; là nơi để đông đảo cử tri trong xã tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong kháng chiến chống Pháp, Nhà Vuông là nơi đặt trạm gác tiền tiêu của huyện Châu Thành để lực lượng cách mạng đối phó với những cuộc càn quét của thực dân Pháp.

      Với những giá trị lịch sử và văn hóa cơ bản trên, Nhà Vuông Bình Nam xứng đáng được bảo tồn, tôn tạo, phát huy tác dụng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và bảo lưu các giá trị văn hóa dân tộc. Ngày 10/4/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 1209/QĐ-UBND, xếp hạng Nhà Vuông Bình Nam là di tích lịch sử cấp tỉnh.    

                          

      2. Di tích lịch sử cách mạng - Nhà thuốc Minh Xuân Đường (địa điểm hoạt động bí mật của Tỉnh ủy Long An từ năm 1936-1945):

      Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tân An là một trong những chiến trường ác liệt, là nơi khởi xướng cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Xuất phát từ vị trí xung yếu đó, kẻ địch luôn dồn sức mạnh nhằm khống chế bằng được địa bàn này. Về phía ta, quân dân Tân An dưới sự lãnh đạo của Đảng kiên trì bám trụ, giành giật với địch từng tấc đất quê hương. Vì nơi đây địa hình trống trải, không rừng, không núi, sông rạch chằng chịt nên vấn đề bám trụ địa bàn hoạt động là vấn đề sinh tử đối với cách mạng tỉnh nhà. Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, Tỉnh ủy Tân An - cơ quan đầu não lãnh đạo toàn diện cuộc kháng chiến của toàn tỉnh - vẫn tồn tại để hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó. Vượt lên bao khó khăn thử thách, Tỉnh ủy Tân An tồn tại chỉ đạo mọi phong trào tỉnh nhà đi đến thắng lợi chính là do Tỉnh ủy Tân An luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng bộ Tân An dựa hẳn vào dân, động viên sức mạnh to lớn, sức sáng tạo vô biên của nhân dân nhằm vào mục tiêu chiến thắng kẻ thù xâm lược. 

     Nằm trong dãy phố do thương gia Ấn kiều có tên Chà Hiêm đứng ra thầu xây dựng cất và cho thuê mướn thu hoa lợi, di tích được xây dựng khoảng từ năm 1934-1936 thời điểm nhà lồng chợ Tân An đã làm xong. Năm 1936, Lương y Lê Minh Xuân - lúc ấy là chủ tiệm thuốc bắc Nam Cường (ở Mỹ Tho) và Nam Phương (ở Phú Mỹ), về đây thuê mở phòng mạch và buôn bán hàng xén, đặt tên gọi " Nhà thuốc Minh Xuân Đường". Hiện nay, di tích tọa lạc số 17, Nguyễn Duy, Phường 1, thành phố Tân An.

      Từ cuối năm 1930 đến giữa năm 1931, ở thành phố Tân An đã có những cơ sở bí mật của Đảng hoạt động. Kể từ khi Lương y Lê Minh Xuân lập tiệm thuốc bắc Minh Xuân Đường thì địa điểm này trở thành cơ sở mật của Thành phố. Cuối 1938, đồng chí Trần Trung Tam được xứ ủy điều động từ Quận ủy Đức Hòa về Tân An trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, xây dựng lực lượng bí mật của Đảng, nhà thuốc Minh Xuân Đường trở thành điểm liên lạc của Đảng giữa miền Đông và miền Tây và là nơi dừng chân hoạt động của đồng chí Trần Trung Tam dưới vỏ bọc hợp pháp là thầy lang trực tiếp kê toa bốc thuốc.

      Vào cuối 1939, nhân kỷ niệm Quốc khánh Cộng hòa Pháp 14/7 - các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Tân An là Trần Trung Tam, Nguyễn Văn Ban, Phẩm Văn Giáo, Võ Thị Chính đã phát động quần chúng nhân dân tổ chức một cuộc biểu tình, kết thúc - Tỉnh ủy đã họp chỉ đạo rút kinh nghiệm tại nhà thuốc Minh Xuân Đường. Cũng từ địa điểm này, đồng chí Trần Trung Tam đã chỉ đạo công tác chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ trong phạm vi tỉnh Tân An từ cuối tháng 9/1940.

       Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng trên địa bàn thành phố Tân An bị tổn thất nặng nề, gần như tan vỡ. Cuối năm 1942 đầu năm 1943, một số đảng viên ở thành phố Tân An mới dần dần được tập hợp trở lại. Tháng 10/1943, đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Hoằng và Lê Minh Xuân bàn bạc đi đến quyết định khôi phục chi bộ thành phố Tân An. Cuộc họp thành lập chi bộ diễn ra tại nhà thuốc Minh Xuân Đường, đồng chí Nguyễn Văn Trọng được cử làm Bí thư. Cũng trong tháng 10/1943, Xứ ủy lâm thời được thành lập tại Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho, đồng chí Nguyễn Văn Hoằng được bầu làm Xứ ủy viên. Sau hội nghị của Xứ ủy, Chi bộ Tỉnh lỵ Tân An được phát triển thành Tỉnh ủy lâm thời tại hội nghị thành lập Tỉnh ủy vào tháng 3/1944, đồng chí Nguyễn Văn Trọng được bầu làm Bí thư. Nhà thuốc Minh Xuân Đường lại trở thành trụ sở bí mật, địa điểm liên lạc, hội họp của Tỉnh ủy Tân An.

      Cuối tháng 6/1945, nhận thấy thời cơ khởi nghĩa đang đến gần, Tỉnh ủy lâm thời Tân An tiến hành hội nghị mở rộng đầu tiên tại nhà thuốc Minh Xuân Đường với 16 đồng chí đại biểu về dự. Hội nghị đã triển khai nội dung quan trọng và vạch kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa ở tỉnh lỵ và phân công lãnh đạo giành chính quyền ở các quận A, B, C, D. Sau hội nghị trên, Tỉnh ủy đã bí mật cho điều lực lượng vũ trang từ quận A, B, C, D đưa vào ém trong Thành phố. Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng chi bộ nội tuyến và mượn súng trong binh lính địch để trang bị cho Thanh niên Tiền Phong; móc nối với một số cơ sở Bình Xuyên giúp đỡ tài chính để có tiền nuôi lực lượng đang được ém bí mật trong Thành phố và để mua vải may cờ, vẽ khẩu hiệu; chỉ đạo việc may cờ, biểu ngữ, chuyển máy in (xin của Xứ ủy) từ Chợ Lớn về Hướng Thọ Phú. Trong những ngày tháng khẩn trương ấy, Minh Xuân Đường đã trở thành một địa điểm tập trung để đảng viên các nơi tụ về kẻ truyền đơn chuẩn bị khẩu hiệu, dập phù hiệu đảng viên… sửa soạn khởi nghĩa.

       Sau khi được tin Nhật đầu hàng đồng minh, đêm 16 - rạng 17/8/1945, Xứ ủy triệu tập hội nghị toàn thể ở Chợ Đệm để quyết định phát động khởi nghĩa và chỉ định Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ. Tỉnh Tân An cử đồng chí Nguyễn Văn Trọng và Lê Minh Xuân lên dự họp. Từ hội nghị Chợ Đệm trở về, 2 đồng chí Trọng, Xuân liền triệu tập gấp cuộc họp tại Minh Xuân Đường vào đêm 17/8/1945, chính thức công bố thành lập Ủy ban khởi nghĩa, bầu bổ sung và phân công nhiệm vụ trong Tỉnh ủy; dự kiến bộ máy chính quyền tỉnh, quận sẽ ra mắt công khai sau ngày khởi nghĩa thành công. Cuộc họp nhất trí chuẩn bị sẵn sàng một Nghị quyết hành động gọi là "Nghị quyết đỏ", dự kiến ngày khởi nghĩa chậm nhất ở Tỉnh chỉ trong một tuần (nghĩa là chậm nhất vào ngày 25/8) trong tinh thần chờ đợi cùng Xứ ủy. Khi cuộc họp kết thúc, đồng chí Nguyễn Văn Hoằng được phân công lên Chợ Đệm gấp để báo cáo tình hình chuẩn bị khởi nghĩa ở Tân An với Xứ ủy.

      Ngày 21/8/1945, một sự trùng hợp lịch sử đã xảy ra trong cùng lúc Xứ ủy họp tại Chợ Đệm và giao cho Tân An khởi nghĩa thí điểm nhằm thăm dò thái độ quân Nhật thì cũng chính là lúc tại Tỉnh lỵ Tân An có tin "Đàng thổ dậy". Nắm sự cố này là do phái Cao đài phản động tung tin với ý đồ phổng tay trên Việt Minh để cướp chính quyền, các đồng chí Trọng, Xuân hội ý chớp nhoáng tại nhà thuốc Minh Xuân Đường, quyết định phát động và khởi nghĩa giành chính quyền bằng lực lượng có sẵn. Cuộc khởi nghĩa ngoạn mục dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Tân An đã nhanh chóng huy động được sức mạnh của quần chúng nhân dân, bắt toàn bộ ác ôn, công chức đầu sỏ, chiếm kho súng, kho bạc, làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ, khi đồng chí Nguyễn Văn Hoằng mang lệnh khởi nghĩa thí điểm của Xứ ủy về đến nơi thì khởi nghĩa ở Tỉnh lỵ Tân An đã thắng lợi hoàn toàn. Tối 22/8/1945, Tỉnh ủy Tân An đã quyết định rời trụ sở của nhà thuốc Minh Xuân Đường về khu lầu nhà Tổng Thận. Từ đó Minh Xuân Đường đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, chấm dứt vai trò là trụ sở hoạt động bí mật của Tỉnh ủy Tân An thời kỳ 1936-1945.

       Trong số những di tích lịch sử cách mạng ở tỉnh Long An còn lưu giữ đến ngày nay, nhà thuốc Minh xuân Đường là nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng trong quá trình hoạt động của Tỉnh ủy Tân An khoảng 10 năm (1936-1945). Hơn thế nữa ngôi nhà này là nơi Tỉnh ủy Tân An mở hội nghị quan trọng, ra quyết định cho cuộc giành chính quyền tại tỉnh lỵ vào tháng 8/1945 thành công, ghi dấu vết son riêng rất độc đáo. Tân An vinh dự là Tỉnh đi đầu trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 ở Nam bộ. Với những giá trị to lớn trên, ngày 22/10/1999, UBND tỉnh Long An đã ra quyết định đăng ký di tích lịch sử:  "Nhà thuốc Minh Xuân Đường".

 

      3. Nhà Tổng Thận - Trụ sở Công khai đầu tiên của Tỉnh ủy Tân An sau Cách mạng tháng Tám:

      Nằm dọc bên bờ vàm Rạch Bảo Định hay còn gọi là rạch Vũng Gù, hiện nay vẫn còn một "địa chỉ đỏ" trong lòng thành phố Tân An. Đó chính là nới đã khắc ghi bao dấu ấn một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc. Nơi ấy chính là Khu di tích lịch sử Nhà Tổng Thận, tọa lạc tại đường Ngô Quyền, phường 1, thành phố Tân An, tỉnh Long An.

 NTT.jpg

      Trong khí thế nổi dậy của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên cả nước, Tân An vinh dự là địa phương được Xứ ủy Nam bộ chọn thí điểm khởi nghĩa đầu tiên và đã thành công ngày 21/8/1945, trở thành phát pháo lệnh cho cả Nam Bộ bước vào cuộc tổng khởi nghĩa của cả nước. Sau khi giành được chính quyền vào tay nhân dân, Tỉnh ủy Tân An đã quyết định trưng dụng Nhà Tổng Thận làm trụ sở hoạt động công khai của Tỉnh ủy. Nhà Tổng Thận hiện tọa lạc tại số 4, Ngô Quyền , Phường 1, Thành phố Tân An. Ngôi nhà này do Cai Tổng Thạnh Hội Thượng, quận Châu Thành Trần Khắc Thận xây cất khoảng năm 1892-1893.

      Ngôi nhà có diện tích xây dựng 138,24 m², theo lối kiến trúc Pháp khá kiên cố với kết cấu 1 trệt, 1 lầu nên rất thoáng mát. Địa điểm này phù hợp làm trụ sở của Đảng, tiện cho việc hoạt động và tiếp đón đại biểu các nơi đến quan hệ. Nơi đây có nhiều ưu thế hơn so với trụ sở mật ở Minh Xuân Đường vì gần với trụ sở của chính quyền cách mạng, tiện cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, ít ồn ào náo nhiệt, thuận lợi cho việc xây dựng nề nếp hoạt động, đáp ứng nhu cầu làm việc của Tỉnh ủy Tân An lúc bấy giờ. Việc chọn nhà Tổng Thận làm trụ sở cho thấy Đảng quyết định ra hoạt động công khai sau ngày Tân An khởi nghĩa thành công.

      Ngay sau khi tiếp nhận trụ sở công khai, Tỉnh ủy Tân An đã họp phiên mở rộng đầu tiên vào chiều tối ngày 22/8/1945 do đồng chí Nguyễn Văn Trọng chủ trì. Hội nghị đã quyết định một số chủ trương công tác cấp bách: củng cố chính quyền, xây dựng các lực lượng cách mạng tổ chức Đảng, các đoàn thể quần chúng; bàn việc mở ngay một lớp tập huấn du kích và giải quyết vấn đề vũ trang cho các lực lượng du kích. Đặc biệt tại hội nghị này, Tỉnh ủy lâm thời đã biểu quyết bổ sung, phân công trách nhiệm về nhân sự Đảng và chính quyền, trong đó có việc bầu đồng chí Nguyễn Văn Hoằng làm Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Văn Trọng làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Tân An.

      Khoảng nửa đầu tháng 9/1945, tại nhà Tổng Thận, Tỉnh ủy Tân An triệu tập hội nghị lần thứ 2 do đồng chí Nguyễn Văn Hoằng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Hội nghị đã bàn những vấn đề như: tiến hành hợp nhất các quận ủy; bàn biện pháp củng cố, xây dựng chính quyền, xây dựng các đoàn thể bằng việc tổ chức ngay hệ thống chính quyền từ quận đến xã; thành lập ủy ban cố vấn với thành phần rộng rãi ở chính quyền các cấp; cho đặt những "Thùng thư dân nguyện" ở khắp nơi để nắm được ý dân; bàn việc đón rước các đồng chí ta từ các trại giam ở Côn Đảo về đất liền.

      Sau những ngày đầu cách mạng sôi nổi hào hùng, tình hình ngày càng căng thẳng. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp bóng quân đội Anh (với danh nghĩa tước khí giới Nhật) đã trở lại xâm lược Việt Nam. Ở Tân An khoảng cuối tháng 9/1945, tại nhà Tổng Thận, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị lần thứ 3 do đồng chí Nguyễn Văn Hoằng chủ trì. Đây là hội nghị quan trọng của Tỉnh ủy Tân An, nhận định tình hình thực dân Pháp sẽ quay trở lại và đề ra những nhiệm vụ cấp bách có tính chất chuyển hướng về nhiệm vụ chiến lược: từ xây dựng chính quyền sang tích cực củng cố, bảo vệ chính quyền và chuẩn bị kháng chiến. Trong thời điểm khẩn trương vào nửa đầu tháng 10/1945, tại nhà Tổng Thận, Tỉnh ủy Tân An họp hội nghị bất thường để củng cố nội bộ trước khi rút ra khỏi tỉnh lỵ. Tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Minh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy .

      Cuối tháng 10/1945, Liên quân Anh - Pháp phá vỡ vành đai Sài Gòn - Chợ Lớn. Đêm 23 rạng 24/10/1945, địch theo hướng đường sông Tiền tiến chiếm Mỹ Tho. Đồng thời theo lộ Đông Dương (nay Quốc lộ 1A) vượt cầu Bình Điền, chọc thủng phòng tuyến của quân dân ta ở mặt trận Chợ Đệm - Gò Đen, tiến xuống Tỉnh lỵ Tân An. Để bảo toàn lực lực lượng, Tỉnh ủy Tân An chỉ đạo lực lượng rút ra căn cứ kháng chiến. Cơ quan Tỉnh ủy chính thức rời khỏi khu nhà Tổng Thận cùng số lớn cơ quan rút về Mộc Hóa (Đồng Tháp Mười), đóng rãi rác từ Bắc Đông ngược lên các vùng ven sông Vàm Cỏ Tây để kháng chiến chống Pháp.

      Nhà Tổng Thận là địa điểm lưu niệm nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh Tân An, trong thời gian được Tỉnh ủy chọn làm trụ sở hoạt động sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nơi đây đã chứng kiến nhiều cuộc hội nghị của Tỉnh ủy, để kịp thời ra những chủ trương chỉ đạo nhằm củng cố và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân còn non trẻ. Với những giá trị lịch sử trên, vào năm 1998, UBND tỉnh Long An đã ra quyết định đăng ký Di tích lịch sử "Nhà Tổng Thận" để có cơ sở trùng tu, tôn tạo, giới thiệu khách tham quan một trong những địa điểm hiếm hoi gắn với lịch sử Cách mạng Tháng Tám 1945 của Tỉnh nhà.

 

     4. Di tích lịch sử - văn hóa Đình Xuân Sanh:

 

       Di tích lịch sử - văn hóa Đình Xuân Sanh toạ lạc tại khu phố Xuân Hoà 2, Phường 6, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Là ngôi đình làng cổ, thờ thần Thành Hoàng bổn cảnh, được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Là nơi ghi dấu các sự kiện lịch sử của địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

       Đình Xuân Sanh là một thiết chế văn hoá cổ của làng xã của Việt Nam nói chung và của Tân An nói riêng, đình đảm nhận chức năng là nhà công cộng của làng, là nơi hội họp, hội lễ của dân làng, theo đó đình đảm nhận chức năng hành chính xã hội của chế độ tự trị của làng xã thời phong kiến. Hiện nay, hàng năm đình vẫn còn tổ chức 03 lễ hội chính là: lễ Kỳ Yên vào ngày 16 tháng 12 âm lịch, lễ Cầu Bông vào ngày 12 tháng 10 âm lịch và Hạ Điền vào ngày 16 tháng 6 âm lịch. Các nghi thức được tổ chức như việc cúng Thần nông hoặc tế thần Thành Hoàng trong lễ Kỳ Yên là một biểu hiện tôn kính đối với thần linh - những vị thần luôn ban cho dân làng sức khỏe, sự no ấm và sung túc.

       Khuôn viên đình có tổng diện tích là 1.364 m2, được bao bọc bởi hàng rào lưới B40, trong đó diện tích đình là 360 m2. Tổng thể kiến trúc đình hình chữ công, gồm 03 gian nhà vuông nối tiếp nhau theo thứ tự là võ ca, đình chánh và nhà bếp. Cách xây dựng, bố trí điện thờ và trang trí bên trong ngôi Đình Xuân Sanh phần lớn cũng giống như các ngôi đình làng cổ khác ở Tân An và Nam Bộ với nhiều tượng long - linh - qui - phụng, các câu đối, hoành phi bằng chữ Hán, các loại binh khí cổ và một số đồ thờ cúng có niên đại muộn như: trống, mõ, lư hương, chân đèn… Đặc biệt, đình còn lưu giữ 02 sắc thần của vua Thiệu Trị và vua Tự Đức phong tặng vào các năm 1845, 1852, được viết trên giấy kim tiền, màu vàng có hình rồng - mây (long - vân), đây là hai hiện vật quý có niên đại giữa thế kỷ XIX.

       Đình còn là nơi ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử cách mạng ở địa phương. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình là nơi tập hợp, xuất phát của lực lượng Thanh niên Tiền phong đi chiếm trụ sở tề làng và tham gia cùng các lực lượng cách mạng khác đi chiếm giữ các cơ quan, trụ sở của chính quyền địch, cũng như toàn bộ dinh cơ, trại lính, kho súng… theo sự phân công của cấp trên. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình là nơi tập dợt của đội văn nghệ tuyên truyền cách mạng xã Lợi Bình Nhơn. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Huyện uỷ Thủ Thừa cũng đã từng trú ngụ, hoạt động tại Đình Xuân Sanh và được người dân nơi đây che chở, đùm bọc, bảo vệ an toàn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, đình là địa điểm tập kết lực lượng của đại đội 11, tiểu đoàn 03, trung đoàn 01, sư đoàn 05 bộ đội chủ lực Miền trong kế hoạch đánh vào dinh tỉnh trưởng Tân An, góp phần giải phóng Thành phố và địa bàn cả Tỉnh.

     Như vậy, Đình Xuân Sanh là một di tích lịch sử - văn hoá có giá trị, là chứng tích của quá trình khai cơ mở đất của cộng đồng người Việt ở địa phương, là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử của địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

     Với những ý nghĩa nêu trên, ngày 30/10/2007 UBND tỉnh Long An ra Quyết định số 2749 công nhận Đình Xuân Sanh là di tích lịch sử - văn hóa cần được bảo vệ, tôn tạo và phát huy tác dụng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước địa phương và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.                                               

     5. Di tích lịch sử - văn hóa Đình Khánh Hậu:

DKH.jpg 

     Di tích lịch sử - văn hoá Đình Khánh Hậu toạ lạc tại khu phố Quyết Thắng 2, phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Là ngôi đình làng thờ thần Thành Hoàng bổn cảnh, được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Cũng như những ngôi đình làng khác ở Nam Bộ, Đình Khánh Hậu là ngôi đình cổ, là chứng tích của quá trình khai hoang, mở đất xây dựng quê hương của người Việt trên vùng đất Khánh Hậu, thành phố Tân An ngày nay. Từ khi thành lập đến nay, đình là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của cư dân nơi đây; thông qua các lễ hội là dịp để nhân dân địa phương cố kết cộng đồng, nâng cao tinh thần yêu quê hương đất nước. Bên cạnh đó, đình còn mang giá trị lịch sử vì nơi đây là địa điểm thành lập, huấn luyện và xuất phát của lực lượng Thanh niên Tiền phong tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền địch tại tỉnh Tân An trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

    Đình có tổng diện tích là 726,3 m2, trong đó sân đình rộng 300 m2. Kiến trúc đình gồm hai phần: ngôi chính và ngôi phụ. Ngôi chính có diện tích 270 m2, kết cấu kiểu tứ trụ hình chữ tam, gồm 03 dãy liền nhau, mỗi dãy có 12 cột gỗ xưa còn lại được dùng làm khung sườn. Mái đình lợp bằng ngói âm dương, nóc trang trí mảnh gốm cẩn cách điệu vân (mây), hai con nghê bằng sành, cẩn đắp nổi đề tài lưỡng long chầu nguyệt. Bên trong đình là chánh điện, nơi trang trọng nhất được bố trí bàn thờ Thần, tất cả đều được bày trí hoa văn rất đẹp và sắc sảo, có nhiều câu đối, hoành phi viết bằng chữ Hán sơn son thếp vàng. Ngôi phụ có diện tích 156,3 m2, kiến trúc được xây dựng theo kiểu Nhà rội (nọc ngựa). Bên trong bố trí nhiều bàn thờ Tiền vãng, Tiên sư và một số vị thần linh và được trang trí bằng nhiều hoa văn đặc sắc. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ 06 sắc thần do vua Thiệu Trị và vua Tự Đức sắc phong vào các năm 1845, 1850.

     Cách bố trí bàn thờ thần Thành Hoàng và hệ thống bàn thờ xung quanh bàn thờ thần trong Đình Khánh Hậu mang tính chính thống và phổ biến của người Việt ở Nam Bộ. Thần Thành Hoàng trong tâm thức người dân nơi đây là Thành Hoàng Bổn Cảnh với ý nghĩa đây là vị thần của cộng đồng cư dân địa phương này, nó đồng hoá và gần gũi với anh linh những thế hệ đi trước có công mở đất, lập làng, dựng ấp (Tiền hiền khai khẩn); những người có công xây dựng các công trình phúc lợi đầu tiên của cộng đồng như mở trường, lập chợ, đắp đường giao thông (Hậu hiền khai cơ); những bậc thầy dạy nghề cho dân chúng trong làng từ buổi đầu lập làng cho đến nay (Tiên sư), cũng như bao gồm các hồn thiêng của các anh hùng, liệt sĩ đã hoá thân cùng khí thiêng sông núi và cả các thần thánh thiêng liêng đang ngự trị tại vùng đất mới. Cũng như bao ngôi đình khác ở Nam Bộ đều có mục đích thờ cúng các vị thần đã có công phò trợ đất nước, che chở, giúp đỡ cho người dân được an cư lạc nghiệp. Hàng năm, tại Đình Khánh Hậu đều tổ chức cúng 04 lễ hội quan trọng là: lễ Chạp Miễu Ức vào ngày 15-16 tháng 12 âm lịch, lễ Cầu An vào ngày 15-16-17 tháng 4 âm lịch, lễ Hạ Điền vào ngày 16 tháng 6 âm lịch và lễ Thượng Điền vào ngày 16 tháng 10 âm lịch với sự tham dự của chính quyền địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân.

     Đình Khánh Hậu là một ngôi đình cổ của thành phố Tân An nói riêng và của Nam bộ nói chung, mang dấu ấn của quá trình khai hoang mở đất, lập làng của cư dân người Việt ở vùng đất phương Nam. Đây là một thiết chế văn hoá làng xã truyền thống với đối tượng thờ trong đình là thần Thành Hoàng, là nơi bảo lưu những giá trị văn hoá truyền thống, trung tâm sinh hoạt văn hoá của làng Khánh Hậu trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Nơi đây hiện còn lưu giữ 06 sắc thần của vua Thiệu Trị và vua Tự Đức phong tặng cho làng, đây là những cổ vật quý, có giá trị lịch sử và tư liệu, chứng minh sự quản lý của nhà nước phong kiến đối với bộ máy tự quản làng xã, có giá trị trong việc nghiên cứu văn hoá phong kiến và cổ văn Hán tự. Đây còn là địa điểm lịch sử trong cuộc đấu tranh cách mạng, là cơ sở thành lập, hoạt động và xuất phát của lực lượng Thanh niên Tiền phong Tân An vào thời điểm khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Tân An.

     Ngày 02/12/2010 UBND tỉnh Long An ra Quyết định số 3512/QĐ-UBND công nhận Đình Khánh Hậu di tích lịch sử - văn hoá cần được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo và phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước của các thế hệ người dân trong hiện tại và tương lai.

 

     III. TÂN AN - NHỮNG CÔNG TRÌNH VĂN HÓA:

       Trong kho tàng di sản văn hóa vật chất và tinh thần mà người Tân An đã sáng tạo nên, di tích lịch sử, văn hóa là nơi chứa đựng nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Có thể nói bức tranh tổng thể các di tích lịch sử, văn hóa vùng đất Tân An rất đa màu sắc với sự hiện diện của mảng nội dung lịch sử, văn hóa của địa phương. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, nhưng các giá trị đó vẫn còn được lưu giữ và đang có ảnh hưởng tích cực đến đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, Tân An còn là vùng đất trải qua sự khốc liệt của chiến tranh, khắp địa bàn thành phố dường như đều trở thành các địa điểm di tích phản ánh chân thực, sinh động cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân Tân An cùng nhân dân cả nước. Ngoài những di tích lịch sử, trên địa bàn thành phố Tân An còn có nhiều công trình mang đậm nét văn hóa của địa phương.

     1. Mộ 42 Liệt sĩ:

      Trong trận tấn công căn cứ Mỹ chi khu thành thị xã Tân An đêm mồng chín tháng giêng Tết Mậu Thân năm 1968, 42 chiến sĩ đơn vị tiểu đoàn Đồng Nai đã chiến đấu anh dũng và hy sinh. Tưởng nhớ sự hy sinh này, thành phố Tân An đã xây dựng Đài tưởng niệm tại nơi mà các đồng chí ngã xuống, thuộc địa bàn phường 3 - thành phố Tân An. Sau khi phân chia địa giới hành chính, Đài tưởng niệm thuộc địa bàn phường 7 - thành phố Tân An. Sau 3 lần được trùng tu, sửa chữa, đến nay, đài tưởng niệm có diện tích gần 400 m, xây dựng kiên cố với cột bê tông, nền lát gạch, khuôn viên được che chắn bảo vệ và có phân công người thường xuyên thắp hương cũng như vệ sinh khuôn viên Đài tưởng niệm. Mỗi năm một lần, cứ đến ngày Mùng 9 Tết, toàn thể cán bộ, công nhân viên và người dân địa phương cùng nhau hội tụ về đây để dâng hương, ôn lại lịch sử, truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất chống giặc giữ nước của dân tộc ta. Qua đó, cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên và nhân dân trên địa bàn hiểu thêm về truyền thống cách mạng của dân tộc, ra sức rèn đức luyện tài để xứng đáng với sự hy sinh của đất nước.

 

     2. Nhà bia truyền thống An Vĩnh Ngãi:

     Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây từng là vùng căn cứ địa cách mạng, nhân dân có truyền thống đấu tranh cách mạng, từng nuôi giấu hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ cách mạng, luôn bám trụ địa bàn. Trong kháng chiến chông Mỹ, An Vĩnh Ngãi được Nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang  nhân dân. Hiện xã có 2 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 115 liệt sĩ, 13 mẹ Việt Nam anh hùng, 101 gia đình liệt sĩ, 340 gia đình chính sách. Khắc sâu đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, Đảng và chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách, chế độ và vận động toàn dân chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với những người có công cũng như quan tâm giải quyết có hiệu quả nhữung tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, giúp thương binh bệnh binh gia đình chính sách.

      Toạ lạc trên con đường Châu Thị Kim lồng lộng nắng gió, nhà bia truyền thống của xã An Vĩnh Ngãi có khuôn bia được xây dựng rộng rãi gồm nhà truyền thống, lưu giữ tư liệu, hình ảnh, bí thư đảng ủy xã qua các thời kỳ, các tư liệu về truyền thống của xã anh hùng An Vĩnh Ngãi; bia tưởng niệm liệt sĩ – những người con của quê hương An Vĩnh Ngãi anh hùng. Nổi bật nhất trong khuôn viên nhà bia chính là tượng nữ anh hùng lực lượng vũ trang – bà Châu Thị Kim.

      Bà Châu Thị Kim, còn có bí danh Ngọc Loan, sinh năm 1929, quê ở xã An Vĩnh Ngãi, huyện Châu Thành, nay thuộc thành phố Tân An. Sinh ra trong một gia đình bần nông, bà sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ năm 1948. Năm 1964, bà là Huyện uỷ viên Châu Thành, có nhiều thành tích trong đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Bà trực tiếp tổ chức 207 du kích, bộ đội, 13 cơ sở nội tuyến, 3 lần bị địch bắt nhưng bà vẫn luôn vững vàng khí tiết, trực tiếp chiến đấu 74 trận lớn nhỏ, diệt 23 tên địch, bắt sống 15 tù binh, thu 145 súng, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng, mưu trí lấy gọn 2 đồn địch, giải thoát nhiều thương binh. Bà hy sinh ngày 20.6.1965 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, khi ấy bà đang là Xã đội trưởng.

     Năm 1996, Bà Châu Thị Kim được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và năm 1998, được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

 

      3. Tượng đài "Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc":

TD.jpg 

     Kiến trúc là một nghệ thuật tổ chức môi trường dựa trên những thành tựu của một nền khoa học kỹ thuật và kinh tế, xã hội nhất định nhằm mục đích phục vụ đời sống con người. Kiến trúc biểu hiện những đặc trưng riêng của từng dân tộc, từng vùng, miền và hơn thế, nó còn biểu hiện tính cộng đồng văn hoá mà bản thân dân tộc đó, địa phương đó chịu ảnh hưởng trong quá trình thiên di hoặc cộng cư lâu dài với các dân tộc khác trên cùng một địa bàn cư trú.

     Có một công trình văn hóa thấm đẫm tính nhân văn, nơi chuyển tải một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, nơi truyền thống toàn dân đánh giặc giữ nước của quân và dân Long An được giới thiệu bằng biểu tượng cô đọng, bằng những hiện vật, hình ảnh, tư liệu chân thật và quí báu đồng thời cũng là nơi sinh họat, vui chơi giải trí của nhân dân. Đó chính là tượng đài Long An trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc tọa lạc tại khu phố Thanh Xuân, phường 5, thành phố Tân An, tỉnh Long An, được xây dựng trên khu đất rộng 6,1 ha với tổng kinh phí đầu tư trên 100 tỷ đồng. Công trình khởi công vào năm 2004 và cơ bản hoàn thành ngày 28/4/2010, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tám chữ vàng "Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" đã trở thành biểu tượng cô đọng trong lòng mỗi người dân Long An và toàn dân tộc.

     Tượng đài gồm 2 hạng mục điêu khắc là: nhóm tượng người Mẹ và chiến sĩ; quần thể tượng "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc".        

     - Tượng người Mẹ và chiến sĩ ở phía trước, cao 3,5m, tạo hình tượng bi hùng của quá khứ, đồng thời cũng để nhắn nhủ cho hôm nay và mai sau một thông điệp rằng: Sống trong hòa bình, đừng quên những tháng năm gian khổ mà oanh liệt của những người đi trước.

     - Quần thể tượng đài chiến thắng làm bằng đá granite, nặng 1.800 tấn, có chiều cao 12m, dài 19,4m, rộng 4m đặt trên bệ bê tông cao 5,5m; được bố cục theo dáng rồng thiêng của truyền thống dân tộc đang vươn mình bay lên sau chiến thắng. Đây là biểu tượng của tinh thần hướng tới tương lai tươi đẹp trên nền tảng quá khứ oai hùng của nhiều thế hệ nhân dân và chiến sĩ Long An đã tạo ra. Thân rồng và đầu rồng khắc ghi hình ảnh của người chiến sĩ giải phóng và người Mẹ Việt Nam cùng bay bổng trong chiến thắng khải hoàn. Bờm rồng được thể hiện bằng những khóm lá dừa vươn cao, che chở, ôm ấp cho con người của vùng đất Long An anh hùng. Bệ rồng được thể hiện bằng con thuyền cách mạng với những lượn sóng thăng trầm mà Đảng là người cầm lái vượt qua bão táp, phong ba đưa quân dân Long An đến bến bờ chiến thắng. Những hình tượng dân và quân được chạm sâu vào đá, ẩn hiện trong những dãy mây trùng điệp, nâng cao các nhân vật cùng con thuyền cách mạng bay lên trong không gian, hòa quyện giữa quá khứ và hiện tại .

      Phối hợp hài hòa với quần thể tượng là hồ nước cùng với cây cảnh, đá và cỏ, nhằm tạo không gian thư giãn. Trong không gian này có hai bức tranh phối cảnh hoành tráng hình cánh cung bằng gốm màu (đề tài sản xuất và chiến đấu), cao 2m, dài 20m, thể hiện những hình tượng về công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của quân dân Long An trong quá khứ và hướng tới tương lai, gợi mở những suy ngẫm về công cuộc đổi mới trên mảnh đất này với một quá khứ oai hùng nhưng cũng nhiều hy sinh gian khổ. Những trụ biểu hình rồng ở hai bên lối vào tượng đài nhằm tạo vẻ uy nghi cho công trình và gợi nhớ về dòng giống Rồng Tiên của dân tộc Việt Nam.

       Không gian xung quanh khu vực tượng đài cũng thể hiện những ý tưởng về lịch sử địa phương với hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đã từng đi vào thơ ca và lịch sử, trong đó có chiến công "hỏa hồng Nhựt Tảo" của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

       Đặc biệt, khu công viên tượng đài còn có một hạng mục khá đặc biệt, đó là phòng trưng bày chuyên đề Long An trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc. Phòng trưng bày được thiết kế nằm bên dưới chân tượng đài chính. Đây là nơi trưng bày các sưu tập hiện vật, tranh, ảnh, tài liệu khoa học phụ… để nêu bật sự sáng tạo, tinh thần kiên cường dũng cảm của quân và dân Long An. Phòng trưng bày gồm có gian trung tâm và 6 chuyên đề: Tình hình Long An sau hiệp định Geneve (1954-1959); Quân và dân Long An trong phong trào Đồng Khởi (1960-1961); Quân và dân Long An trong cao trào phá ấp chiến lược (1961-1964); Quân và dân Long An trong phong trào toàn dân đánh Mỹ diệt ngụy (1965-1967); Quân và dân Long An tham gia tổng công kích tổng khởi nghĩa xuân Mậu Thân 1968; Quân và dân Long An trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

      Có thể nói, khu công viên tượng đài "Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" đã trở thành một công trình văn hóa tiêu biểu của Long An, là quảng trường để nhân dân, cán bộ, chiến sĩ có dịp họp mặt gặp gỡ, ôn lại lịch sử oanh liệt của tỉnh nhà, khẳng định quyết tâm xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, nơi thực hiện việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, là điểm tham quan vui chơi, giải trí, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị của thành phố Tân An văn minh hiện đại trong tương lai.

 

     4. Cây Trôm mõ (Cây Di sản Việt Nam):

     Ngày 04/10/2016, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ra Quyết định số 408/QĐ-HMTg "về việc công nhận Cây Di sản Việt Nam".

      Công nhận cây Trôm mõ có tên khoa học Sterculia foetida L. tại Chùa Diệu Quang, số 213, đường Lương Văn Chấn, phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An là Cây Di sản Việt Nam.

      Là cửa ngõ đồng bằng sông Cửu Long, Tân An đã ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Mỗi địa danh, mỗi nẻo đường nơi đây dường như đều gắn liền với chặng đường phát triển của lịch sử tỉnh nhà nói chung, đặc biệt là lịch sử Cách mạng của thành phố Tân An nói riêng. Mỗi di tích, mỗi địa danh nổi tiếng trên đất Tân An đều mang vẻ đẹp, sắc thái riêng và ẩn chứa những câu chuyện ý nghĩa. Đây được xem như một phần của những trang sử hào hùng được viết nên bởi các thế hệ đi trước mà thế hệ trẻ Tân An ngày nay có quyền tự hào và trân trọng gìn giữ cho muôn đời sau./.

 

(Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Tân An)

Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh