Hai cách tính diện tích là để hai bên tự thỏa thuận
Những
ngày qua, dư luận "nóng" với nhiều ý kiến trái chiều về cách tính diện
tích căn hộ theo Thông tư 16 ban hành năm 2010 và sự ra đời của Thông tư
03 ngày 20/2/2014. Đặc biệt gây nhiều tranh cãi là việc đưa ra quy định
tính diện tích chỉ còn theo một cách là tính theo thông thủy, bác bỏ
cách tính tim tường vẫn thường được các chủ đầu tư áp dụng thời gian vừa
qua. Đại diện Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Bộ Xây
dựng đưa ra 2 cách tính diện tích căn hộ mua bán trong Thông tư 16 là để
hai bên tự thỏa thuận, thống nhất và ghi trong hợp đồng.
Còn
việc đưa Thông tư 03 chỉ quy định một cách tính thông thủy, không có
nghĩa Thông tư 16 trước đó sai. Chỉnh sửa và đưa ra một cách tính diện
tích để thống nhất cách làm, tránh gây nhầm lẫn do không hiểu rõ như
thời gian qua.
Phía chủ đầu tư
các dự án bất động sản cũng cho rằng chuyện họ tính diện tích theo tim
tường cũng không hề vi phạm luật. Chưa kể nguyên tắc toàn bộ chi phí xây
dựng công trình nhà chung cư (bao gồm móng, khung, cột, tường chịu lực,
phần căn hộ, hành lang, cầu thang, thang máy, mái, thiết bị..) cả phần
sở hữu riêng của căn hộ và phần sở hữu chung đều được tính vào giá bán
căn hộ và các phần sở hữu riêng khác (nếu có).
Song
trước sự ra đời của Thông tư mới, nhiều chủ đầu tư cũng bày tỏ ý kiến
sẽ có sự cân đối, điều chỉnh lại giá cả, thiết kế và kết cấu cho sản
phẩm trước khi đưa ra thị trường cũng như mở bán lại.
Nhà nước chỉ hướng dẫn, không quy định cách tính tiền
Nhìn
nhận lại vấn đề trong mối tương quan ba bên, không thể đổ lỗi hoàn toàn
cho Bộ Xây dựng. Nói như GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ
TN&MT: "Giá cả là do thỏa thuận giữa hai bên mua bán. Nhà nước, pháp
luật chỉ đưa ra hướng dẫn và quy định quyền sở hữu, chứ không quy định
cách tính tiền". Đồng quan điểm trên, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ
trưởng Bộ Xây dựng phân tích thêm: Lỗi ở đây là sự thiếu hướng dẫn cụ
thể dẫn đến xảy ra tranh chấp.
Ở
góc độ khác, ý thức của người mua cũng chính tạo điều kiện cho chủ đầu
tư kiếm lợi. Bởi thời kỳ bất động sản sốt nóng, người mua nhà chỉ nghĩ
đến việc mua nhà, bán lại nhanh để hưởng chênh lệch, mà không phản hồi
ngay những sai phạm, những bất hợp lý của chủ đầu tư. Còn với chủ đầu
tư, đương nhiên, ai kinh doanh cũng cần phải có lãi. Hơn nữa, bản thân
các chủ đầu tư cũng phải tính toán về hệ thống cột, hộp kỹ thuật để đảm
bảo thiết kế an toàn và thẩm mỹ cho căn hộ. Họ bỏ chi phí để làm điều
đó, nên khi giao dịch chắc chắn phải có sự "hoàn" tiền.
Thị
trường bất động sản đang có những bước đi khẳng định sự rõ ràng, minh
bạch. Vấn đề công khai cách tính diện tích căn hộ chung cư cũng là một
trong những nhân tố giúp thị trường lành mạnh và là xu hướng tất yếu. Do
đó, theo các chuyên gia, với thẩm quyền của cơ quan Nhà nước, ban hành
luật cần kèm hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, tránh hiểu nhầm; có chế tài xử
phạt nghiệm với những chủ đầu tư cố tình vi phạm. Với khách hàng, cần
nghiên cứu kỹ hợp đồng, tỉnh táo với các điều khoản chủ đầu tư đưa ra.
Có quyền hỏi chủ đầu tư những điều chưa rõ ràng. Riêng với những hợp
đồng đã ký, các chuyên gia cũng đề xuất cách giải quyết hợp lý nhất là
chủ đầu tư và người mua cùng ngồi lại với nhau, thống nhất phương án
giải quyết thỏa đáng. Ví như những vấn đề có thể giải quyết trước mắt là
điều chỉnh lại mức thu phí vận hành, quản lý nhà chung cư theo diện
tích sàn; thỏa thuận lại vấn đề sử dụng và bảo vệ tường, cột, hộp kỹ
thuật… Tóm lại, cùng nhau bàn thảo, thậm chí chịu thiệt từ cả hai phía
chủ đầu tư và khách hàng, sẽ luôn là đáp án tốt nhất cho mọi khúc mắc,
bất cập.
Theo Báo KTĐT