24/07/2020
Hội thảo trình diễn băm, ủ phân hữu cơ từ cành, nhánh thanh long
Trong những năm gần đây, diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh Long An nói chung và thành phố Tân An nói riêng tăng khá nhanh do trồng thanh long có hiệu quả hơn so với một số cây trồng khác.
Trong những năm gần đây, diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh Long An nói chung và thành phố Tân An nói riêng tăng khá nhanh do trồng thanh long có hiệu quả hơn so với một số cây trồng khác. Tuy nhiên, hiện nay người trồng thanh long đang gặp khó khăn về giá cả, nguồn tiêu thụ,…. Ngoài ra, việc trồng thanh long hiện cũng đang đối mặt với nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc lây nhiễm mầm bệnh do việc xử lý những cành thanh long già, khô, mang mầm bệnh... chưa tốt va đa số người trồng thanh long cũng chưa khai thác, tận dụng được nguồn phế phẩm từ cành nhánh thanh long mà thường chỉ chặt bỏ cành rồi chất thành đống ở các đường nước, bờ ao... để tự phân hủy. Tuy nhiên thời gian phân hủy cành thanh long rất lâu và trong quá trình này mầm bệnh có cơ hội lưu tồn và gây lây lan, đồng thời bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.
Để giúp người trồng thanh long giải quyết vấn đề trên, từ cuối tháng 5/2020, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Tân An đã phối hợp với Hội Nông dân Phường 7 và nông dân Phạm Văn Sáu (Hẽm 262, đường 827, khu phố An Thuận 2, Phường 7, thành phố Tân An) tổ chức thực hiện mô hình trình diễn ủ phân hữu cơ từ cành nhánh thanh long theo quy trình kỹ thuật của Viện Cây ăn quả Miền Nam nhằm quảng bá tiến bộ kỹ thuật đến người trồng thanh long để giúp khắc phục các vấn đề nêu trên.
Ảnh: Nông dân tham quan, kiểm tra đống phân được ủ.
Sau gần 2 tháng thực hiện, ngày 16/7/2020 vừa qua, tại vườn thanh long của ông Phạm Văn Sáu, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Tân An đã tổ chức hội thảo nhằm đánh giá kết quả của mô hình. Tham dự Hội thảo có sự tham gia của ông Dương Văn Nam - Phó chủ tịch UBND và bà Lê Thị Kim Dung - Chủ tịch Hội Nông dân cùng hơn 20 nông dân của phường tham dự. Qua kết quả hội thảo, người dân đánh giá rất cao về hiệu quả của mô hình. Cụ thể:
Hiệu quả về mặt kỹ thuật: Làm giảm áp lực lây lan mầm bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn phế phẩm để ủ phân phục vụ lại cho sản xuất.
Hiệu quả về kinh tế: Do cành nhánh thanh long được thu gom nên vườn thanh long được vệ sinh tốt, thanh long ít bị sâu bệnh, từ đó đã giảm được chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc (bình quân 4 triệu đồng/ha/vụ), hơn nữa thanh long bán được giá cao hơn. Ngoài ra, nếu nông dân tự ủ phân sẽ tiết kiệm được ít nhất từ 1.000 đến 1.500 đồng/1kg phân so với phân hữu cơ mua trên thị trường.
Với lợi ích thiết thực của mô hình, thuyết nghĩ việc quảng bá thực hiện mô hình cũng như việc hỗ trợ người dân làm các điểm trình diễn về mô hình trên cần được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, nhất là ở các vùng chuyên canh trồng thanh long./.
Nguyễn Văn Minh - TTDVNN